Lượt xem: 147

Sóc Trăng siết chặt công tác kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập tỉnh

Vào thời điểm cận Tết, nhu cầu gây nuôi, buôn bán, giết mổ động vật gia tăng, lưu lượng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập tỉnh vì vậy cũng tăng đột biến so với ngày thường. Nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp đoàn liên ngành đang khẩn trương siết chặt công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật. Hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh động vật từ tỉnh ngoài xâm nhập vào địa bàn.

 


Kiểm tra phương tiện vận chuyển động vật nhập tỉnh tại Trạm đầu mối Đại Hải – An Hiệp

 

    Nếu như ngày thường, số lượng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập tỉnh là từ 8 đến 10 phương tiện, thì vào thời điểm cận Tết, lưu lượng tăng khoảng 50% để cung cấp con giống, phục vụ công tác tái đàn; cũng như nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt động vật của người dân trong tỉnh. Hầu hết các phương tiện khi nhập tỉnh đều phải qua Trạm kiểm dịch đầu mối Đại Hải - An Hiệp.

    Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và tinh thần Công văn số 09/UBND-KT, ngày 03/01/2024 của UBND tỉnh về khẩn trương ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Trạm đã bố trí nguồn lực, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các chủ phương tiện về giấy tờ liên quan nguồn gốc, giấy kiểm dịch an toàn dịch bệnh đối với động vật và sản phẩm thịt động vật được vận chuyển vào địa bàn. Đồng thời, thực hiện phun thuốc sát trùng, tiêu độc phương tiện, đảm bảo không lây truyền nguồn bệnh từ tỉnh ngoài vào. Đồng chí Lê Văn Vạn - Phó trưởng Trạm kiểm dịch động vật Đại Hải - An Hiệp cho biết thêm: “Sau khi được chỉ đạo, chúng tôi phân công anh em trực 24/24. Khi xe vào đến Trạm chúng tôi kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch, xem có còn hiệu lực hay không. Sau đó, kiểm tra sức khỏe đối với từng con gia súc, gia cầm xem có đúng với số lượng và chủng loại đã ghi trên giấy hay không...”.

    Để tránh xảy ra tình trạng nguồn sản phẩm thịt động vật không an toàn lưu thông trên thị trường, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh còn phối hợp cùng Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các chủ cơ sở phải đảm bảo cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy chứng nhận tiêm phòng đối với số động vật được vận chuyển vào địa điểm giết mổ. Thể trạng đàn vật nuôi cũng được nhân viên thú y tại địa phương kiểm tra nghiêm ngặt trước khi tiến hành giết mổ.

    Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng đàn trâu, bò khoảng 58.000 con; đàn heo 254.000 con; đàn gia cầm 7 triệu con đang phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong trong tỉnh và thị trường các tỉnh lân cận. Do dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là thời điểm giao mùa, các hoạt động vận chuyển, buôn bán, gây nuôi, giết mổ động vật để phục vụ nguồn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, từ đó nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm rất dễ xảy ra. Đặc biệt, điều kiện thời tiết dễ tạo cơ hội cho dịch bệnh bùng phát tại các ổ dịch cũ, nơi có hoạt động giao thương buôn bán hoặc chăn nuôi thiếu chăm sóc, phòng dịch. Đồng chí Lâm Minh Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin: “Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường dịp cuối năm, Chi cục đã chủ động phối hợp thành lập Đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để kiểm soát hoạt động kinh doanh, giết mổ động vật và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật làm giống, rà soát tình hình tổng đàn mới nhập, kiên quyết không cho nhập vào tỉnh những trường hợp phát sinh mới không rõ nguồn gốc, đồng thời kiểm tra các hoạt động kinh doanh, mua bán các ngành hàng thực phẩm có nguồn gốc động vật, đặc biệt là giám sát dịch bệnh động vật đến tận các hộ nuôi...”.

    Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng quan tâm việc kiểm soát giá cả sản phẩm chăn nuôi trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phối hợp với các địa phương chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá; bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi. Ngăn chặn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập thị trường, bảo đảm nguồn cung thực phẩm thịt sạch vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 64
  • Hôm nay: 7997
  • Trong tuần: 78,704
  • Tất cả: 11,802,024